Lịch sử Ngày Giải phóng Sơn La 26/8/1945
Lượt xem: 1017

Cứ tháng Tám về, đều gợi nhớ tới mỗi người dân trên mảnh đất Sơn La càng thêm tự hào về ngày truyền thống vẻ vang của mảnh đất nơi đây, trên mảnh đất này vào ngày 26/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trên đồi Khau Cả, hàng ngàn quần chúng nhân dân kéo đến dự ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố: khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi. Từ nay đồng bào các dân tộc được làm chủ bản mường, đất nước.

Tháng 8/1945, cục diện cách mạng trong nước và tình hình thế giới có nhiều chuyển biến. Trên thế giới, chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi vào giai đoạn kết thúc, phát xít Đức bị đánh bại. Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh không điều kiện.

Ở trong nước, cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển mạnh mẽ ở khắp Bắc - Trung - Nam. Phong trào cách mạng ở Sơn La lúc này rất sôi nổi. Đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Minh từ chiến khu Quang Trung được lệnh nhanh chóng trở về Sơn La để lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, Trung đội du kích Mường Chanh cùng đông đảo nhân dân tiến vào bao vây nhà chánh phìa Cầm Văn Mở nhưng ông ta đi vắng. Ông Cầm Văn Bao đã đầu hàng và trao nộp ấn tín cho cách mạng. Chính quyền cách mạng lâm thời Mường Chanh được thành lập do ông Lò Văn Đức làm Chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa ở Mường Chanh thắng lợi nhanh chóng đã động viên khích lệ nhân dân Mai Sơn và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Lên tới Mai Sơn, được tin Mường Chanh đã giành chính quyền, đồng chí Chu Văn Thịnh phân công đồng chí Cầm Minh về Mường Chanh để chuẩn bị giành chính quyền ở Châu lỵ Mai Sơn, Yên Châu và phối hợp với cánh quân Mường La giành chính quyền ở Tỉnh lỵ.

Ngày 21/8/1945, đồng chí Chu Văn Thịnh lên tới Tỉnh lỵ đã triệu tập cuộc họp Ban lãnh đạo khởi nghĩa tại nhà bà giáo Bảo ở phố Chiềng Lề. Ngay đêm 22/8/1945, các lực lượng vũ trang được huy động nhanh chóng toả về các châu phối hợp với đông đảo nhân dân đứng lên khởi nghĩa.

Tại Mường La, đêm 22/8/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lô Xuân và Nguyễn Tử Du, lực lượng vũ trang gồm 50 người và đông đảo quần chúng nhân dân bao vây nhà Tri châu Bế Văn Điềm. Bế Văn Điềm đầu hàng, trao nộp ấn tín, ra lệnh giải tán binh lính. Chính quyền thuộc về nhân dân, Bế Văn Điềm được cách mạng giao nhiệm vụ quản lý hành chính ở châu. Cũng trong đêm 22/8/1945, lực lượng khởi nghĩa do Tòng Lanh và Tòng Phanh chỉ huy đã bao vây và đột nhập vào nhà riêng của tỉnh trưởng Cầm Ngọc Phương, buộc y phải đầu hàng và ra lệnh giải tán lính khố xanh, giao nộp vũ khí cho quân cách mạng. Khởi nghĩa giành chính quyền ở châu Mường La hoàn toàn thắng lợi.


                                                 Vòng xòe đoàn kết các dân tộc tại Lễ Kỷ niệm ( Ảnh Sưu tầm)

 

Rạng sáng 22/8/1945, theo sự phân công của Ban khởi nghĩa, đồng chí Quàng Đôn và Đỗ Trọng Thát cùng 20 chiến sĩ trang bị súng đạn từ Mường La tiến lên Thuận Châu. Trên đường đi có lực lượng khởi nghĩa của Bản Lầm và Tranh Đấu hợp lực tiến về châu lỵ, đông đảo quần chúng nhân dân quanh châu lỵ ủng hộ và gia nhập đội quân cách mạng. Khoảng 2 giờ sáng ngày 23/8/1945, quân khởi nghĩa bao vây châu đường. Do có cai Piệng làm nội ứng, nên lực lượng lính cơ bảo vệ ở đây không chống trả. Tri châu Bạc Cầm Quý không kịp chạy trốn đã cúi đầu xin hàng, trao nộp ấn tín và ra lệnh giải tán binh lính. Cuộc khởi nghĩa ở Thuận Châu nhanh chóng giành được thắng lợi, chính quyền thuộc về nhân dân. Ủy ban cách mạng lâm thời châu được thành lập, Bạc Cầm Quý được giao làm Chủ tịch, Bạc Cầm Đưa làm Phó chủ tịch.

Tại Mai Sơn, sau khi khởi nghĩa ở Mường Chanh thắng lợi, Đội vũ trang khởi nghĩa do đồng chí Cầm Vĩnh Tri chỉ huy cùng với đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân phối hợp với đội vũ trang Yên Châu đang huấn luyện tại đó kéo vào châu lỵ Mai Sơn bao vây châu đường và buộc Tri châu Cầm Văn Chiêu phải đầu hàng, trao chính quyền cho cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời châu Mai Sơn được thành lập do ông Cầm Văn Vinh làm Chủ tịch, Lò Văn Bun làm Phó chủ tịch, chính quyền thuộc về nhân dân.



Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở châu Mai Sơn, theo kế hoạch, lực lượng khởi nghĩa sẽ kéo xuống Yên Châu. Ngày 23/8/1945, Đội thanh niên vũ trang Yên Châu và một bộ phận vũ trang Mường Chanh do Hoàng Luông và Hoàng Sáy chỉ huy tiến xuống Yên Châu. Quân khởi nghĩa đã bao vây nhà của phìa Chiềng Đông là Quàng Văn Keo, bắt hắn phải đầu hàng và nộp vũ khí. Quân khởi nghĩa tiếp tục kéo xuống Châu lỵ, sáng 24/8/1945 bao vây châu đường, trại lính cơ và và nhà riêng Tri châu Bạc Cầm Huy. Hắn đã đầu hàng và nộp ấn tín, vũ khí, giải tán binh lính. Chính quyền thuộc về nhân dân, cách mạng giao cho Hoàng Luông tạm thời phụ trách Yên Châu.



Tại Châu Phù Yên, đầu tháng 7/1945, thực hiện Chỉ thị của Trung ương về khởi nghĩa từng phần khi điều kiện đã chín muồi, Ban cán sự Phú Thọ - Yên Bái chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa ở một số vùng, tháng 7/1945 Nghĩa Lộ là châu lỵ đầu tiên được giải phóng. Đội tự vệ Phù Yên đã cử 2 đội viên sang chiến khu Vần - Hiền Lương xin chỉ thị. Sau khi thống nhất kế hoạch, sáng 22/7/1945, Chi đội giải phóng quân của chiến khu gồm 60 người đã tiến vào Quang Huy, phối hợp với Đội tự vệ cách mạng Phù Yên và đông đảo nhân dân bao vây châu đường, buộc chính quyền tay sai nộp vũ khí. Chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập: ông Cầm Văn Nò làm Chủ tịch. Cách mạng thành công ở Châu lỵ đã làm cho binh lính ở đồn bảo an Vạn Yên và Tri châu Lù Bun Đôi đang ẩn náu tại đó vô cùng hoảng sợ, buộc phải nộp ấn tín, vũ khí xin hàng. Cuộc khởi nghĩa ở Vạn Yên nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngày 23/7/1945, khởi nghĩa ở châu Phù Yên toàn thắng, là châu đầu tiên trong tỉnh Sơn La giành được chính quyền.

 

Tại Tỉnh lỵ, nơi trung tâm đầu não của chính quyền cũ, mặc dù tỉnh trưởng Cầm Ngọc Phương đã đầu hàng cách mạng, nhưng tại toà Chánh sứ trước kia của Pháp trên đồi Khau Cả, một đại đội quân Nhật vẫn chốt giữ tại đây và một đại đội lính bảo an vẫn đóng ở Toà giám binh, chúng vẫn làm chủ Tỉnh lỵ.

 

Thực hiện kế hoạch đã định trước, sau khi giành chính quyền ở Mường La, Mai Sơn thắng lợi, lực lượng vũ trang của hai châu phối hợp tiến về Tỉnh lỵ để giành chính quyền. Với chủ trương dùng biện pháp thương thuyết, tránh xô sát, các đồng chí lãnh đạo địa phương do đồng chí Chu Văn Thịnh làm trưởng đoàn đã thương thuyết với quân Nhật, buộc chúng phải giao toàn bộ vũ khí và rút khỏi Sơn La, trên đường đi không được cướp bóc và nhũng nhiễu nhân dân. Ta đảm bảo cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho chúng trên đường rút. Nhưng với bản chất ngoan cố, quân Nhật không chịu trao nộp vũ khí mà viện cớ phải mang về xuôi nộp cho quân Đồng minh, chúng chỉ trao cho ta vũ khí mà chúng tước được của quân Pháp. Ngày 23/8/1945, ta tiến quân bao vây đồi Khau Cả, các ngả đường và mục tiêu quan trọng khác. Trước áp lực của đông đảo quần chúng, ngày 25/8/1945, ông Lò Văn Mười - Trưởng Bảo an binh được các chiến sĩ trong Nhà tù Sơn La cảm hóa từ trước ra mở của trại xin hàng, giải tán binh lính, giao nộp vũ khí. Trước tình thế đó, quân Nhật chấp nhận đầu hàng, nộp vũ khí.

 

Ban cán sự Mặt trận Việt Minh và Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập. Ngày 26/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trên đồi Khau Cả, hàng ngàn quần chúng nhân dân kéo đến dự ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, ông Cầm Văn Dung làm Chủ tịch, đồng chí Chu Văn Thịnh làm Phó chủ tịch và các ủy viên. Ban Cán sự Việt Minh do đồng chí Chu Văn Thịnh làm Chủ nhiệm và Nguyễn Tử Du làm Phó chủ nhiệm cùng một số ủy viên. Đồng chí Chu Văn Thịnh thay mặt cho chính quyền lâm thời tuyên bố: khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi. Từ nay đồng bào các dân tộc được làm chủ bản mường, đất nước.

 

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước lúc này đang sôi động, ngày 19/8/1945, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thắng lợi. Đến ngày 23/8/1945, Thừa Thiên Huế và hàng loạt các tỉnh ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 25/8/1945, Sài Gòn kết thúc cuộc khởi nghĩa thắng lợi bằng một cuộc mít tinh tuần hành lớn chưa từng có, thắng lợi đó làm cho chính quyền địch ở 15 tỉnh còn lại của đồng bằng Nam bộ vô cùng hoảng loạn và cơn lốc cách mạng đã bùng lên thiêu trụi chính quyền bù nhìn phản động ở hầu khắp các tỉnh phía nam của Tổ quốc. Cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta bước vào giai đoạn kết thúc.

 

Tại Mộc Châu và Quỳnh Nhai, việc giành chính quyền chậm hơn. Đầu tháng 9/1945, quân khởi nghĩa của Hoà Bình được phân công tiến lên Mộc Châu cùng nhân dân địa phương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

 

Tại châu Quỳnh Nhai, đêm 17/10/1945, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, quân khởi nghĩa đã chia làm hai mũi bao vây nhà Tri châu Đèo Văn Túm và đột nhập trại lính cơ, bắt Đèo Văn Túm phải đầu hàng, nộp vũ khí và giải tán binh lính. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi. Ngày 18/10/1945, đông đảo nhân dân vùng châu lỵ Quỳnh Nhai nô nức đến dự cuộc mít tinh, Ủy ban cách mạng lâm thời châu ra mắt. Đến tháng 10/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi.   



Cách mạng Tháng Tám thành công là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất và là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nước ta. Tại Sơn La, cuộc cách mạng thần thánh đã đập tan ách cai trị hà khắc của thực dân trong suốt 57 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Sơn La; lật đổ chế độ quan lại phìa tạo phong kiến hàng ngàn năm thống trị nhân dân các dân tộc Sơn La. Nhân dân các dân tộc Sơn La thoát khỏi ách áp bức, nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, quê hương, bản mường, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no và bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

                  Hà Cẩm Nhung - Thanh tra viên .Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra.

                                                                          

Tin cũ hơn
1 2 3 4 5  ...