Thành phố Sơn La sắp xếp các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp
Lượt xem: 190
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn thành phố Sơn La những năm qua có bước phát triển, thể hiện vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 1.000 cơ sở TTCN. Các cơ sở TTCN đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo ra khối lượng lớn hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thu hút hàng trăm lao động trong các khu dân cư.

Nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về yêu cầu khách quan và chủ trương của thành phố trong việc sắp xếp, di chuyển các cơ sở vào sản xuất tập trung tại các cụm công nghiệp, để người dân tự giác, tích cực tham gia thực hiện, UBND thành phố Sơn La đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến các cơ sở TTCN và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành của tỉnh quy hoạch 2 cụm TTCN Duyên Hải, Phố Mới với tổng diện tích là 22,5 ha, đã đầu tư 5,7 tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. UBND thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế quản lý các cụm công nghiệp, đến nay đã bình xét, sắp xếp cho 117 cơ sở vào sản xuất tập trung. Những cơ sở sản xuất TTCN được sắp xếp lại đã phát huy được thế mạnh; năm 2010, giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất tập trung đạt 100 tỷ đồng, bằng 35% giá trị sản xuất TTCN trên địa bàn.

Việc di chuyển các cơ sở sản xuất TTCN vào các khu công nghiệp mặc dù đã đạt được một số kết quả, song cũng còn những khó khăn. Đó là, ngân sách của thành phố còn hạn hẹp, chưa có nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng cho các cụm công nghiệp. Vì vậy, thành phố chưa có đủ mặt bằng để bố trí sắp xếp các cơ sở vào sản xuất tập trung (khoảng 400 cơ sở cấp thiết phải sắp xếp di chuyển ngay). Trong khi đó, tỉnh chưa có quy chế phối hợp quản lý giữa nhà nước với các cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhận thức của một số cơ sở sản xuất TTCN về chủ trương của thành phố đối với việc sắp xếp, di chuyển vào sản xuất tập trung chưa đầy đủ; tập quán, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang tồn tại. Mặt khác, thành phố chưa có các hoạt động dịch vụ hỗ trợ về tư vấn lập dự án, dịch vụ xây dựng, cây xanh, môi trường... cho các cơ sở vào sản xuất tập trung.

Để thực hiện tốt công tác di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất tập trung, trong thời gian tới, thành phố Sơn La kiến nghị với UBND tỉnh sớm xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đơn giản các thủ tục hành chính cho phù hợp hơn đối với trình độ, năng lực của các cơ sở sản xuất TTCN. UBND thành phố Sơn La xây dựng và ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất TTCN tập trung; tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; tranh thủ các nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ cho sản xuất TTCN tập trung. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất TTCN tập trung, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý của cơ sở TTCN và lao động có tay nghề cao cho sản xuất TTCN tập trung.

Di chuyển, sắp xếp các cơ sở TTCN ra khỏi khu dân cư vào sản xuất tập trung là một chủ trương lớn của thành phố. Mặc dù còn có khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Sơn La; sự đồng thuận cao của người dân, những năm tới sẽ có nhiều cơ sở TTCN vào sản xuất tập trung tại các cụm công nghiệp, mở ra cơ hội lớn cho sản xuất TTCN phát triển bền vững, góp phần xây dựng thành phố Sơn La trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.